So sánh sản phẩm

Vay vốn xây dựng bệnh viện

Ngày đăng : 09:52:33 27-08-2016
Thời gian qua, nhiều bệnh viện đã mạnh dạn vay hàng trăm tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang, thiết bị. Nhờ đó, bệnh viện có cơ sở trang, thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Khi ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ nguồn vốn đầu tư phát triển bệnh viện, đây được coi là bước đi và cách làm phù hợp.
 

Hiệu quả rõ nét

Dù được đầu tư khá lớn nhưng đến nay cơ sở hạ tầng của ngành y tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của người dân. Do vậy, thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở KCB, giảm quá tải bệnh viện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị của người dân là mục tiêu quan trọng được Bộ Y tế đặt ra từ nhiều năm qua. Thực tế cho thấy, trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hạn chế (30% giá trị công trình), nhiều bệnh viện đã mạnh dạn lập dự án đi vay vốn từ các tổ chức tín dụng (khoảng 70% giá trị công trình) để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang, thiết bị. Và khi đưa vào sử dụng, các công trình đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Đầu năm nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) khánh thành và đưa vào hoạt động tòa nhà kỹ thuật cao có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, trong đó vốn vay là 240 tỷ đồng. Tòa nhà đi vào hoạt động, bệnh viện có thêm khu chẩn đoán hình ảnh; khu xét nghiệm đồng bộ; 22 phòng mổ, trong đó có hai phòng mổ công nghệ cao đạt tiêu chuẩn châu Âu và 400 giường bệnh điều trị nội trú. Nhờ đó nâng quy mô lên 1.450 giường bệnh (tăng 38%) và có tổng số 52 phòng mổ; Trung tâm ghép tạng có một cơ ngơi khá hoàn chỉnh, là điều kiện tốt cho các bác sĩ thực hiện thường quy các ca ghép thận, gan. Sau bảy tháng đưa vào sử dụng, người bệnh được hưởng cơ sở hạ tầng, trang, thiết bị mới, chất lượng cao; thời gian chờ mổ ngắn, không phải nằm ghép. Đồng thời giảm đáng kể áp lực cho nhân viên y tế. Đáng chú ý, là công trình đi vay vốn nhưng bệnh viện xác định đầu tư phục vụ mở rộng, cho nên vẫn sử dụng hai phần ba số giường bệnh điều trị cho người bệnh nghèo, người bệnh bảo hiểm y tế, số giường còn lại điều trị theo yêu cầu để có nguồn thu trả cho ngân hàng theo đúng hợp đồng vay vốn…

Đứng trước việc mỗi năm có hàng chục nghìn người Việt Nam ra nước ngoài điều trị bệnh, làm “chảy máu” hàng tỷ USD, Bệnh viện T.Ư Huế đề xuất và triển khai vay vốn ngân hàng để xây dựng Trung tâm điều trị theo yêu cầu có quy mô 300 giường bệnh, sáu phòng mổ. Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, GS Bùi Đức Phú đánh giá: Trung tâm sử dụng hiệu quả đội ngũ chuyên gia, cán bộ y tế, cán bộ quản lý có trình độ cao từ Bệnh viện T.Ư Huế luân phiên sang làm việc; bảo đảm an toàn vốn đầu tư, đủ khả năng trả lãi và nợ gốc tiền vay và bước đầu tích lũy để phát triển. Đáng chú ý, trung tâm bảo đảm an toàn, hiệu quả trong điều trị, dịch vụ chăm sóc đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút nhiều người bệnh ở các tỉnh, thành phố và một số nước đến chữa bệnh dưới dạng du lịch KCB. Sau một năm đi vào hoạt động, Trung tâm khám và điều trị hơn 91 nghìn lượt người bệnh, trong đó có 461 lượt người bệnh ở các nước thuộc khu vực Đông - Nam Á (Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia) và 408 lượt người bệnh từ các nước khác (Mỹ, Ô-xtrây-li-a và nhiều nước châu Âu...).

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay có chín bệnh viện vay khoảng 1.450 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nếu không đầu tư theo cơ chế vốn ngân sách và vốn vay thì trong ba đến bốn năm nữa các bệnh viện này cũng không thể hoàn thành, đưa vào sử dụng được.

“Dư địa” còn lớn

Tỷ lệ giường bệnh của nước ta hiện mới đạt 24,5 giường bệnh/mười nghìn dân, khá thấp so với các nước trong khu vực. Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết: Nếu lấy mục tiêu đến năm 2020 đạt 26 giường bệnh/mười nghìn dân thì cần đầu tư thêm 22 đến 23 nghìn giường bệnh viện công lập (tương đương 22 đến 23 bệnh viện quy mô 1.000 giường). Còn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 39 giường bệnh/mười nghìn dân thì cả nước phải tăng thêm khoảng 159 nghìn giường bệnh. Như vậy, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện để tăng số lượng giường bệnh cho cả bốn tuyến (xã, huyện, tỉnh, trung ương) là rất lớn. Trong khi đó, vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016- 2020 có hạn, chỉ đủ ưu tiên hoàn thành các dự án chuyển tiếp để đưa vào sử dụng; đầu tư cho y tế dự phòng; y tế cơ sở (những địa phương chưa được đầu tư giai đoạn 2008 - 2016); đầu tư cho các bệnh viện phong, tâm thần, giám định pháp y… Rất khó bố trí vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ để đầu tư các bệnh viện, trung tâm khám, chữa bệnh hiện đại, ngang tầm khu vực, cơ sở hai của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến trung ương, nhất là các chuyên khoa có khả năng thu và xã hội hóa cao như: nhi, phụ sản, mắt, tai mũi họng, da liễu...; các trung tâm KCB theo yêu cầu, kỹ thuật cao của một số bệnh viện đa khoa tại các tỉnh, thành phố lớn nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Để đáp ứng nhu cầu vốn, các bệnh viện cần huy động từ các nguồn đầu tư khác, như vay vốn, hợp tác đầu tư, kết hợp công tư… Nghị quyết 93/NQ- CP ngày 15-12-2014 của Chính phủ đã nêu rõ khuyến khích các cơ sở KCB vay vốn để đầu tư xây dựng, thành lập mới cơ sở KCB trong khuôn viên đất hiện có và được quyết định tổ chức bộ máy, phương thức quản lý phù hợp. Hiện đã có một số ngân hàng dành gói tín dụng ưu đãi 20 đến 30 nghìn tỷ đồng cho các bệnh viện vay xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như mua sắm trang, thiết bị y tế.

Tuy nhiên, nhiều bệnh viện đang vay vốn cho rằng các ngân hàng cần điều chỉnh những ưu đãi cho phù hợp thực tế hơn. Nhiều đơn vị chưa mạnh dạn đi vay do độ rủi ro cao. Các đơn vị đã vay đều có thời gian ân hạn ngắn (24 tháng), trong khi nhiều bệnh viện phải xây ba đến bốn năm mới xong; thời gian trả nợ ngắn (12 năm), lãi suất cao. Trong khi quy định khấu hao từ 30 đến 40 năm, như vậy phải khấu hao nhanh thì mới có nguồn trả, tính đầy đủ chi phí thì giá dịch vụ sẽ cao, trong khi giá bảo hiểm y tế thanh toán chưa có khấu hao. Các bệnh viện đang vay vốn đề nghị các ngân hàng cho vay cần kéo dài thời gian ân hạn (chưa phải trả gốc vay đến khi bệnh viện đưa vào sử dụng); xem xét lãi suất một cách phù hợp (hiện nay vẫn khá cao); giãn tiến độ trả gốc vay những năm đầu, không nên chia đều gốc phải trả cho thời gian vay vì nếu không được hỗ trợ lãi suất, lãi suất các năm đầu lớn, đơn vị trả cả gốc và lãi vay rất khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng xem xét, cần có sự ưu đãi (miễn, giảm) về thuế thu nhập đối với khu vực mới được xây dựng.

Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Nguyễn Thị Bích Hường cho rằng, bản thân mỗi bệnh viện cần xác định đúng nhu cầu trước khi vay vốn. Bên cạnh đó, cần bảo đảm kết nối với hiện trạng hiện có của bệnh viện; xác định và thực hiện theo đúng tiến độ dự án, từ xây lắp đến đầu tư trang, thiết bị và bố trí nguồn nhân lực.

Thực hiện Thông báo 220/TB-VPCP ngày 2-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ, có 18 đơn vị đăng ký vay vốn. Bộ Y tế đã phê duyệt một số dự án đầu tư, nguồn vốn ngân sách nhà nước (khoảng 30%) và vốn vay (khoảng 70%); các đơn vị chịu trách nhiệm trả gốc và lãi vay. Đến nay có chín đơn vị đã vay khoảng 1.450 tỷ đồng, gồm các bệnh viện: Hữu nghị Việt Đức, Phụ sản T.Ư, Nội tiết T.Ư, Tai Mũi Họng T.Ư, Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Răng hàm mặt T.Ư TP Hồ Chí Minh, T.Ư Huế và Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư. Lãi suất vay từ 6,9% đến 11,4%/năm, tùy theo hợp đồng; hiện nay là 8,55%. Các đơn vị đã trả hơn 525 tỷ đồng lãi và gốc vay.
Tags:
0902177899